Kích thích buồng trứng trong thụ tinh ống nghiệm như thế nào?
Mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ có vài chục đến vài trăm nang noãn đi vào tiến trình chiêu mộ, cạnh tranh và phát triển. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có duy nhất một nang noãn phát triển vượt trội, trưởng thành và phóng noãn do lượng nội tiết tố trong cơ thể chỉ đủ cho 1 nang noãn phát triển. Các nang còn lại sẽ bị thoái hoá. Noãn trưởng thành được phóng thích vào vòi trứng.
Sau khi giao hợp, tinh trùng sẽ được phóng thích vào âm đạo, di chuyển lên cổ tử cung, tử cung, vào vòi trứng, gặp noãn, thụ tinh với noãn và tạo thành phôi. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, khả năng một phôi làm tổ và phát triển tiếp tục chỉ khoảng 5% đến 20%, tuỳ theo độ tuổi của người phụ nữ.
Vì vậy, để tăng khả năng thành công khi điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), cần thu hoạch được nhiều noãn hơn. Thuốc nội tiết tố được sử dụng nhằm làm tăng lượng nội tiết tố trong cơ thể, giúp kích thích nhiều nang noãn phát triển hơn, tăng cơ hội cho noãn và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh, từ đó tăng khả năng thành công.
Việc sử dụng thuốc nội tiết để kích thích buồng trứng (KTBT) phải phù hợp chỉ định và được theo dõi sát bởi bác sĩ chuyên môn có kinh nghiệm, nhằm đảm bảo thu được số lượng noãn phù hợp. Hiện nay, việc áp dụng KTBT vào TTTON ngày càng phổ biến và trở thành phác đồ thường qui trong TTTON. Tuy nhiên, việc KTBT cũng gây ra nhiều vấn đề trong TTTON:
(1) Hội chứng quá kích buồng trứng (HCQKBT): KTBT dẫn đến nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng ở khoảng 5-10% phụ nữ và khoảng 1-2% ở mức độ nặng, có thể dẫn đến các biến chứng rất nặng nề, một số ít trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc hai buồng trứng to, đau, nguy cơ xoắn… khi KTBT cũng là những tác dụng phụ cần theo dõi.
(2) Qui trình TTTON trở nên phức tạp: KTBT mất thời gian, cần tiêm nhiều hormone trong thời gian dài. Phụ nữ làm TTTON phải tiêm hàng chục mũi thuốc, trong thời gian từ 2-4 tuần. Ngoài ra, cần phải mất thời gian thực hiện siêu âm, thử máu nhiều lần khi theo dõi KTBT.
(3) Tăng chi phí: Các hormone sử dụng KTBT thường đắt, phải tiêm nhiều hormone, trong thời gian dài, nên góp phần làm tăng đáng kể chi phí thực hiện TTTON.
Đứng trước thử thách trên, các y bác sĩ đầu ngành về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại IVFMD đã cải tiến, ứng dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng và thu về thành công vượt trội. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không kích thích buồng trứng (CAPA – IVM) tại IVFMD Mỹ Đức sẽ giúp loại trừ nguy cơ bị quá kích buồng trứng. Bệnh nhân không cần dùng thuốc kích thích buồng trứng, hoặc dùng thuốc rất ít. Thay vì để trứng trưởng thành trong cơ thể, bác sĩ sẽ lấy trứng non nhỏ li ti từ những nang trứng nhỏ, sau đó nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, rồi cho thụ tinh với tinh trùng, tạo thành phôi như bình thường. Quy trình TTTON được rút xuống còn khoảng 8 ngày tính từ lúc đến bệnh viện đến khi có phôi. Từ đó, bệnh nhân sẽ giảm được gần 50% chi phí khi thực hiện TTTON.
CAPA-IVM hay TTTON không KTBT có hiệu quả điều trị tốt nhất cho các trường hợp phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng là đối tượng có nhiều nguy cơ biến chứng khi phải KTBT. Do đó, các trường hợp phụ nữ có buồng trứng đa nang, nếu cần phải làm TTTON, thì không cần thiết và không nên KTBT. Các cặp vợ chồng này nên đến các trung tâm có thực hiện kỹ thuật CAPA-IVM để làm TTTON, giảm nguy cơ, qui trình đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.