“Trữ trứng xã hội” – một biện pháp được xem là “bảo hiểm sinh sản” khi người phụ nữ chưa muốn lập gia đình và sinh con sớm, hoặc đang cần điều trị các bệnh lý phải thực hiện can thiệp có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng, hay phải làm việc trong môi trường có tính rủi ro cao.
Cùng tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật trữ đông trứng với những thông tin được chia sẻ bởi bác sĩ Mai Đức Tiến, hiện đang công tác tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY, Khoa Phụ Sản, bệnh viện Gia Đình.
Bạn có biết khả năng sinh sản sẽ suy giảm theo độ tuổi?
Ở phụ nữ, độ tuổi thích hợp nhất cho việc có thai và sinh con là từ 20 đến 30 tuổi. Ở độ tuổi này, việc có thai thường dễ dàng, việc mang thai và sinh con cũng ít biến chứng hơn và trẻ sinh ra khỏe mạnh hơn.
Từ 30 tuổi trở đi, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm dần. Người ta nhận thấy, sau 35 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm rõ rệt qua từng năm mặc dù không có bệnh lý gì đặc biệt. Đến sau 40 tuổi, chỉ khoảng 10% phụ nữ có thể thụ thai và mang thai đến khi sinh.
Việc suy giảm khả năng có thai của phụ nữ theo tuổi chủ yếu là do sự suy yếu của buồng trứng. Tuổi mãn kinh của phụ nữ ở Việt Nam trung bình vào khoảng 48 tuổi, khi buồng trứng không còn hoạt động. Tuy nhiên, khoảng hơn 5 năm trước đó, người phụ nữ có thể đã không còn khả năng sinh sản.

Ngày nay, với xu thế phát triển của xã hội, phụ nữ có nhiều mục tiêu và hoài bão hơn, khoảng thời gian từ 20 đến 35 tuổi thường được ưu tiên cho học tập, phát triển nghề nghiệp, tăng thu nhập hay tham gia các hoạt động xã hội,…. Việc lập gia đình và mang thai thường được dời lại, chậm hơn. Điều này dẫn đến rất nhiều phụ nữ có con khi ở độ tuổi muộn (sau 30 trở đi), lúc này khả năng sinh sản đã bắt đầu giảm hoặc thậm chí đã sụt giảm nhiều. Chính xu hướng này sẽ làm tỉ lệ hiếm muộn ngày càng tăng.
Điều trị hiếm muộn ở trường hợp phụ nữ lớn tuổi có tỉ lệ thành công thấp và chi phí điều trị tốn kém rất nhiều mặc dù đã áp dụng các kĩ thuật hiện đại liên quan đến hỗ trợ sinh sản. Ở trường hợp dự trữ buồng trứng cạn kiệt hay cố gắng điều trị với trứng tự thân không hiệu quả, lựa chọn bắt buộc để có thai là lựa chọn xin trứng.

Trữ đông trứng – Giải pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở phụ nữ
Một số câu hỏi được đặt ra là trữ đông trứng có tốt không? Trong trường hợp phụ nữ chưa có gia đình hay chưa có ý định sinh con, trữ trứng xã hội hay còn gọi dự trữ trứng đông lạnh, trữ đông noãn là giải pháp để ngăn ngừa những yếu tố về tuổi ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên lựa chọn trữ trứng xã hội sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chủng tộc, đạo đức, văn hóa, kinh tế và pháp luật.
Để tiến hành trữ trứng xã hội, phụ nữ cần thực hiện kích thích buồng trứng và chọc hút lấy trứng. Hiện nay, có 2 kỹ thuật dùng để trữ là thủy tinh hóa hạ nhiệt độ nhanh và thuỷ tinh hoá hạ nhiệt độ chậm. Trong đó thủy tinh hóa – hạ nhiệt độ nhanh ít ảnh hưởng đến hoạt động của trứng sau rã nên là kĩ thuật được ưu tiên sử dụng nhiều hơn.
Các bằng chứng hiện tại về việc trữ trứng với phương pháp thủy tinh hóa cho thấy trứng được sử dụng tạo phôi sau rã không có sự khác biệt về tỉ lệ sống, chất lượng, khả năng mang thai và sức khỏe của thai nhi so với trứng vừa được chọc hút. Tuy chi phí trữ trứng không thấp, nhưng việc sử dụng dịch vụ lưu trữ trứng đông lạnh vẫn được xem như là một “bảo hiểm sinh sản” tốt nhất trong những trường hợp người phụ nữ chưa muốn lập gia đình sớm, người đang lên kế hoạch điều trị bệnh cần phải thực hiện những can thiệp ảnh hưởng đến chất lượng noãn hay người phải làm việc trong môi trường có tính rủi ro cao.
Quy trình trữ đông trứng tại IVFMD
Bước 1: Tư vấn ban đầu
Bạn sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử, khám phụ khoa, thực hiện các xét nghiệm cần thiết
Bước 2: Tư vấn quá trình điều trị
Sau khi có đầy đủ kết quả xét nghiệm, bạn sẽ được tư vấn về quy trình điều trị gồm:
- Các bước thực hiện
- Thời gian điều trị
- Số noãn cần trữ và tỉ lệ thành công tương ứng
- Một số biến chứng có thể xảy ra
- Chi phí trữ đông trứng
Bước 3: Tiến hành điều trị
Có thể bắt đầu vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh, nhưng thường khởi đầu từ ngày 2 – 3 vòng kinh để đảm bảo bạn không có thai, gồm các giai đoạn:
- Tiêm thuốc kích thích buồng trứng
- Theo dõi sự đáp ứng nang noãn bằng siêu âm ngã âm đạo và xét nghiệm nội tiết tố.
- Tiêm thuốc trưởng thành noãn.
Bước 4: Ngày lấy noãn
- 36 giờ sau mũi tiêm thuốc trưởng thành noãn
- Lấy noãn dưới siêu âm ngã âm đạo và gây mê nhẹ.
- Bạn cần nhịn ăn uống vào sáng ngày thực hiện thủ thuật.
Bước 5: Trữ lạnh noãn
Noãn trưởng thành (giai đoạn MII) được trữ lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa và lưu trữ trong môi trường nitơ lỏng (-196 độ C).
Bước 6: Rã đông noãn
Khi bạn có nhu cầu sử dụng
Noãn được rã đông sẽ được thụ tinh với tinh trùng bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Bạn có thể tham khảo dịch vụ trữ đông trứng kèm chi phí lưu trữ trứng đông lạnh ở IVFMD tại đây hoặc liên hệ trực tiếp cho IVFMD để được tư vấn và báo giá trữ đông trứng nhanh chóng nhất.
BS. Mai Đức Tiến
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD-FAMILY
Khoa Phụ sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình